Mức giảm không tương xứng giữa giá than đá chất lượng và than đá cấp thấp
Mặc dù giá than đá chất lượng có hiệu suất cháy cao đã giảm hơn 30% trong năm qua do các nước phát triển hạn chế tiêu thụ, giá than cấp thấp lại giảm với tốc độ chậm hơn.
Chênh lệch giá giữa hai loại than đá trên đã xuống còn một phần ba mức của một năm trước.
Khi than đá ngày càng được coi là nhân tố lớn gây ra sự nóng lên toàn cầu, nhu cầu khác biệt giữa các nước phát triển và nhóm quốc gia mới nổi đã trở nên rõ rệt hơn.
Đối với giá than nhiệt được sản xuất tại Australia, vốn được dùng làm tiêu chuẩn cho giá than nhiệt ở châu Á, than đá chất lượng cao với công suất tỏa nhiệt 6.000 kcal/kg có lúc giao dịch quanh mức 65 USD/tấn, giảm 34% so với tháng 12 năm ngoái.
Giá than nhiệt chất lượng cao giảm cho thấy nhu cầu than đá dùng trong sản xuất điện năng đang chững lại.
Tại Nhật Bản và Đài Loan, hai trong số các thị trường chính ở châu Á về than nhiệt cao cấp, sự chuyển đổi từ than đá sang năng lượng tái tạo và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đã tăng tốc nhờ nhận thức về tầm quan trọng của môi trường đi lên.
Than đá giá rẻ được ưa chuộng ở Việt Nam, các nước Đông Nam Á khác và Ấn Độ
Trong khi đó, giá than cấp thấp có công suất tỏa nhiệt thấp hơn (5.500 kcal/kg) dao động quanh 50 USD/tấn, giảm khoảng 15% trong năm qua.
Than đá giá rẻ chủ yếu do các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc và Việt Nam nhập khẩu. Mức giảm của than đá giá rẻ không đáng kể bằng than đá chất lượng cao, mặc dù thị trường than đá nhìn chung đang suy yếu do lo ngại về sự chững lại của nền kinh tế toàn cầu cũng như giá các nhiên liệu thay thế khác giảm.
Thực trạng trên phản ánh nhu cầu than đá mạnh mẽ ở các nước mới nổi. Riêng tại Việt Nam, nhiều nhà máy nhiệt điện đang được xây dựng thêm để đáp ứng nhu cầu điện năng tăng nhanh.
Nikkei cho biết Việt Nam là nơi tập trung nhiều nhà máy nhiệt điện than do Nhật Bản và các nước khác vận hành.
Tổng cộng, nhập khẩu than nhiệt của Việt Nam trong năm 2019 ước đạt khoảng 32 triệu tấn, gấp hai lần khối lượng của năm 2018 và ba lần so với ba năm trước đó.
Khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung thúc đẩy các nhà sản xuất nhiệt điện chuyển cơ sở từ đất nước tỉ dân sang Đông Nam Á, nhu cầu điện ở Việt Nam được dự đoán sẽ tiếp tục tăng.
Ở Đông Nam Á và Ấn Độ, nhiệt điện than, vốn có chi phí sản xuất tương đối thấp, đã trở thành nguồn điện năng chính và hoạt động thu mua than giá rẻ đang gia tăng.
Nguồn cung than giá rẻ không tăng theo nhu cầu vì giá than ở mức thấp trong một thời gian dài đã ảnh hưởng xấu đến lợi nhuận của các công ty khai thác.
"Các công ty vật liệu đang tăng tỉ lệ sản xuất than đá chất lượng cao, có thể bán với giá tốt hơn, để giảm bớt gánh nặng lợi nhuận", Nikkei dẫn lời một nhân viên tại công ty Idemitsu Kosan cho hay.
Trong giai đoạn 2017 - 2030, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự đoán nhu cầu than đá toàn cầu sẽ tăng chưa đầy 1% lên 5,4 tỉ tấn.
Trong khi nhu cầu than đá dự kiến sẽ giảm tại Nhật Bản, Mỹ và châu Âu - ba khu vực đang tích cực giảm phát thải khí nhà kính, nhu cầu ở Đông Nam Á và Ấn Độ được dự đoán sẽ tăng ở mức hai con số.
Sự thay đổi trong cán cân cung - cầu đối với than đá chất lượng và than đá giá rẻ sẽ làm nổi bật sự khác biệt về thái độ đối với than đá giữa nhóm nước phát triển và mới nổi.
Khi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu có hiệu lực vào năm 2020, làn sóng chỉ trích than đá sẽ còn trở nên gay gắt hơn.
Trụ sở chính: 39, Đường 46-CL, KP3, P. Cát Lái, TP. Thủ Đức, TPHCM
Kho than: Tổ 14, Ấp Bình Hóa, Xã Hóa An, TP Biên Hòa, Đồng Nai (Gần cầu Hóa An, Quốc lộ 1k)
Hotline/Zalo: 0932 087 568 (Mr. Sơn)
Email: congtythannamson@gmail.com
Website: www.thanda.vn